Chấy rất dễ nhầm lẫn với gàu, đây là một vấn đề rất phổ biến. Trong khi chấy chỉ là sự lây nhiễm tạm thời, thì gàu là một tình trạng da mạn tính.
Thống kê hàng năm có 6 đến 12 triệu người ở Hoa Kỳ bị chấy. Hầu hết là trẻ em từ 3 đến 12 tuổi. Cả chấy và gàu thường có thể điều trị tại nhà.
Phân biệt giữa chấy và gàu có thể giúp mỗi người lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Chấy và gàu
Gàu, còn được gọi là viêm da tiết bã, là một tình trạng da khiến lớp da trên cùng bị bong ra quá nhanh. Sự bong tróc này làm da đầu khô, bong tróc và ngứa. Những người bị gàu cũng có thể thấy những mảnh da trên quần áo của họ.
Nấm men gây ra một số loại gàu có xu hướng đặc biệt ngứa.
Chấy là ký sinh trùng sống trên da đầu và hút một lượng nhỏ máu trên da đầu. Chấy có thể gây ngứa rất nhiều.
Chấy không truyền bệnh, nhưng chúng rất dễ lây lan. Tiếp xúc gần với đầu hoặc tóc của người có chấy — chẳng hạn như dùng chung bàn chải tóc hoặc ôm — có thể bị lây nhiễm.
Trẻ nhỏ thường ôm hoặc chạm vào nhau, vì vậy chấy thường phổ biến ở trẻ em hơn người lớn và các gia đình có trẻ em.
Một số khác biệt quan trọng giữa chấy và gàu bao gồm:
- Vị trí: Chấy đẻ trứng gọi là trứng chấy trong khi gàu gây bong tróc da. Cả hai trông giống nhau, nhưng kiểm tra kỹ sẽ cho thấy những điểm khác biệt chính. Trứng chấy bám vào tóc còn gàu bong ra, dễ dàng rụng khỏi tóc. Trong khi gàu có thể nhìn thấy trên da đầu, chấy đẻ trứng trên tóc chứ không phải da đầu.
- Lây nhiễm: Gàu không lây nhiễm, nhưng chấy dễ dàng lây lan từ người này sang người khác. Nếu bạn cùng lớp, bạn bè hoặc thành viên trong gia đình gần đây bị chấy, thì chấy có thể là nguyên nhân khiến chúng ta bị ngứa da đầu.
- Ngứa: Gàu và chấy đều ngứa. Gàu có xu hướng ngứa nhiều hơn khi da đầu khô. Những người bị chấy có cảm giác kiến bò trên da đầu.
- Hạch bạch huyết: Chấy có thể gây nhiễm trùng do vi khuẩn, đặc biệt là khi một người gãi da đầu quá mạnh và gây chảy máu. Một số người bị chấy rận nhận thấy các hạch bạch huyết trên cổ hoặc sau tai sưng lên.
- Màu sắc: Chấy rất nhỏ và mọi người có thể cần kính lúp để nhìn thấy chúng. Nếu một người nhận thấy bọ hoặc đốm đen hoặc nâu trên da đầu hoặc trên tóc, điều này thường có nghĩa là họ bị chấy rận chứ không phải gàu.
Triệu chứng của gàu
Một số người bị gàu phát triển thành viêm da tiết bã ở các vùng khác trên cơ thể. Khi điều này xảy ra, chúng ta có thể nhận thấy da bong tróc hoặc có vảy trên mặt, ngực, cổ hoặc tai. Những khu vực này có thể khô, đỏ và đau hoặc ngứa.
Tuy nhiên, hầu hết chúng ta chỉ gặp một dạng gàu nhẹ trên da đầu. Các triệu chứng của gàu bao gồm:
- Da bong tróc hoặc rất nhờn hoặc rất khô.
- Vảy trắng hoặc hơi vàng trên quần áo.
- Da đầu ngứa.
- Mảng đỏ trên da đầu.
- Các triệu chứng trở nên tệ hơn vào mùa đông hoặc thời tiết khô.
- Một số người bị gàu nhận thấy rụng tóc tạm thời, nhưng rụng tóc là điển hình hơn của các tình trạng khác.
Triệu chứng của chấy
Chấy phổ biến hơn nhiều ở trẻ em và những người tiếp xúc gần với trẻ em, chẳng hạn như giáo viên, cha mẹ và người giữ trẻ.
Các dấu hiệu và triệu chứng của chấy bao gồm:
- Ngứa dữ dội trên da đầu
- Liên tục gãi đầu
- Đốm đỏ hoặc có máu trên da đầu do gãi
- Sưng hạch bạch huyết
- Trứng chấy hình giọt nước trên tóc
- Đốm đen nhỏ trên da đầu hoặc trên tóc
Điều trị
Nhiều loại dầu gội trị chấy có thể diệt chấy đôi khi chỉ với một lần điều trị. Việc chải trứng chấy ra khỏi tóc cũng rất quan trọng. Người dùng nên làm theo quy trình ghi trên bao bì dầu gội.
Các loại thuốc trị chấy không kê đơn (OTC) có tác dụng tốt, nhưng một số loại chấy có khả năng kháng lại các loại thuốc này. Vì vậy, nếu phương pháp điều trị đầu tiên không hiệu quả, chúng ta nên gặp bác sĩ để được điều trị theo toa thay thế.
Các biện pháp chữa chấy có sẵn tại các nhà thuốc.
Chấy không thể sống lâu nếu không có vật chủ. Giặt những vật dụng dễ khiến chấy rận ký sinh có thể làm giảm sự lây lan của những sinh vật nhỏ bé này.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) khuyến nghị:
- Giặt quần áo, ga trải giường và các vật dụng khác trong nước có nhiệt độ từ 55 oC trở lên.
- Ngâm bàn chải và lược trong nước 55 oC trong ít nhất 5–10 phút.
- Hút bụi tất cả các loại thảm trong nhà.
- Tránh sử dụng thuốc xịt côn trùng hoặc các chất độc khác.
Gàu thường đáp ứng tốt với dầu gội trị gàu không kê đơn (OTC). Chúng ta có thể mua những loại dầu gội này ở nhà thuốc hoặc mua sắm trực tuyến.
Học viện Da liễu Hoa Kỳ khuyên bạn nên gội đầu bằng dầu gội trị gàu hai lần một tuần trừ khi một người là người Mỹ gốc Phi.
Người Mỹ gốc Phi thường có tóc và da đầu khô hơn, vì vậy tốt hơn hết họ chỉ nên gội đầu bằng dầu gội trị gàu một lần mỗi tuần.
Những người có tóc sáng màu nên tránh dùng dầu gội có chứa nhựa than đá vì chất này có thể làm thay đổi màu tóc.
Một số người thấy rằng gàu của họ không thuyên giảm khi dùng dầu gội trị gàu. Nếu các triệu chứng không cải thiện,có thể là do nhiễm nấm men trên da đầu, tình trạng tự miễn dịch, bệnh chàm hoặc trường hợp gàu nghiêm trọng.
Bác sĩ da liễu có thể giúp xác định nguyên nhân cơ bản cũng như bất kỳ yếu tố kích hoạt nào. Một số người có thể cần dầu gội trị gàu theo toa.
Phòng ngừa
Gàu rất phổ biến và khó ngăn ngừa. Gội đầu thường xuyên làm giảm gàu ở một số người, nhưng thiếu vệ sinh lại không gây ra gàu.
Những người bị gàu có thể cố gắng xác định các yếu tố làm xuất hiện gàu, chẳng hạn như không khí lạnh hoặc khô. Những người có da đầu đặc biệt khô đôi khi cảm thấy thoải mái khi ngủ với máy tạo độ ẩm.
Để ngăn chấy, tránh tiếp xúc gần với những người có nguy cơ cao bị chấy, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tránh dùng chung lược, bàn chải, gối và các vật dụng khác mà chấy có thể ẩn nấp.
Nếu một người trong gia đình có chấy, hãy trị chấy cho họ và các thành viên khác trong gia đình.
Lưu ý
Chấy hay gàu đều không nguy hiểm. Tuy nhiên, việc gãi liên tục có thể làm tổn thương da đầu và dẫn đến nhiễm trùng da đầu.
Cả chấy và gàu thường đáp ứng tốt với các phương pháp điều trị mua tại nhà thuốc , vì vậy chúng ta có thể sử dụng phương pháp điều trị tại nhà trước.
Nếu các phương pháp điều trị sản phẩm không kê đơn (OTC) không hiệu quả, tốt nhất chúng ta nên đến gặp bác sĩ đa khoa hoặc bác sĩ da liễu nếu bị ngứa hoặc đau da đầu.
Nguồn: Theo Alana Biggers, M.D., MPH.
https://www.medicalnewstoday.com/articles/324051